Hướng đi nào cho ngành sản xuất thép?
Hy vọng sự đột phá về khả năng tiêu thụ thép đã không trở thành hiện thực khi cắt giảm đầu tư công, đình hoãn nhiều công trình xây dựng. Ngành thép hiện đang lâm vào tình trạng khó khăn, sản xuất đình đốn, tồn kho ở mức rất cao. Nhiều doanh nghiệp thép đứng trước nguy cơ phá sản.
Thua lỗ do đầu tư tràn lan
Cách đây chừng hơn chục năm, sự góp mặt của một loạt các nhà máy thép mọc lên ở khu vực Quán Toan, dọc theo tuyến quốc lộ 5 khiến bức tranh công nghiệp của Hải Phòng khá sáng sủa. Thời đó, TP Hải Phòng tự hào được coi là "trung tâm sản xuất thép" của cả nước. Nhưng thực chất, ngoài một số doanh nghiệp có tên tuổi như Việt - Nhật, Việt - Úc, Posco,... số còn lại công suất ở dạng "mi-ni" (quy mô 300 - 500 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư chừng 1.000 tỷ đồng), dây chuyền cũ, thiếu đồng bộ, nhập khẩu với giá "thanh lý", chỉ cho ra sản phẩm thép xây dựng. Ðiều nguy hiểm là các doanh nghiệp hầu hết sử dụng nguồn vốn vay để xây dựng, vốn lưu động cũng phụ thuộc hoàn toàn vào đi vay. Tuy vậy, trong thời điểm đó, làm thép đã mang lại doanh thu và lợi nhuận không nhỏ, kích thích các doanh nghiệp thép mở rộng sản xuất bằng những dây chuyền cũ nát tương tự, bất chấp cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế. Chỉ sau vài năm, thời cực thịnh qua đi, thị trường chỉ cần nóng lạnh bất thường một chút, cũng đủ khiến các nhà máy thép "nằm đắp chiếu". Khi thị trường xây dựng trầm lắng vì tín dụng thắt chặt, thì sản xuất của các doanh nghiệp thép lập tức rơi vào khủng hoảng. Thực tế hiện nay, nhiều nhà máy thép ở Hải Phòng vay vốn ngân hàng mà khó có khả năng trả nợ. Các ngân hàng cũng thắt chặt các khoản vay của doanh nghiệp thép, bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng thu hồi vốn thấp.
Theo tiết lộ của một cán bộ ngân hàng, tính đến thời điểm tháng 8 vừa qua, một doanh nghiệp thép của Hải Phòng đã nợ các tổ chức tín dụng tới hơn 700 tỷ đồng và 13 triệu USD, trong đó, chủ yếu là nợ dưới chuẩn, khả năng mất vốn cao. Vào cuối tháng 7 vừa qua, các nhà máy luyện, cán thép của Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi nằm trên địa bàn huyện An Dương (Hải Phòng) đã bị cắt điện vì nợ tới 11 tỷ đồng tiền điện. Hiện Vạn Lợi còn là con nợ của sáu tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn. Thực chất Công ty Thép Vạn Lợi đã ngừng sản xuất, nếu có sản xuất, thì hoàn toàn dưới quyền giám sát, quản lý của các ngân hàng. Hơn một năm trước, tháng 7-2010, quy mô của Vạn Lợi được hình dung như một tập đoàn lớn, với 14 doanh nghiệp thành viên, doanh số mỗi năm đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng, đến năm 2012, đạt một tỷ USD.
Vạn Lợi chỉ là một thí dụ điển hình của nhiều doanh nghiệp thép gặp khó khăn trên địa bàn Hải Phòng nói riêng và rộng ra là rải rác trên cả nước. Sau vài năm đi vào hoạt động có lãi, Công ty cổ phần Thép Ðình Vũ liên tục lỗ. Hiện tại, 70% cổ phần của công ty buộc phải chuyển nhượng cho một tập đoàn đầu tư của Ô-xtrây-li-a, nhưng sản xuất vẫn không hơn trước là mấy. Công ty cổ phần Thép Cửu Long Vinashin lâm vào tình cảnh "đắp chiếu", còn Công ty cổ phần luyện thép Sông Ðà (thành viên của Thép Việt - Ý), mặc dù có công nghệ khá hiện đại, nhưng hiện tại không chạy hết công suất. Ước tính, tổng số nợ ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp thép ở Hải Phòng chừng 4 - 5 nghìn tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là nợ xấu, khó đòi. Các ngân hàng đang lo ngay ngáy, nhưng không dám siết nợ vì thời điểm cho vay, công tác thẩm định hiệu quả dự án, thiết bị sản xuất,... không kỹ lưỡng. Nhiều thiết bị lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao nhiều năng lượng được nhập khẩu với giá cao. Nếu siết nợ, không biết bán dây chuyền ấy cho ai để thu hồi vốn.
Liên kết, tạo thương hiệu mạnh
Những năm gần đây, sản xuất thép nước ta phát triển ở mức 20-30%/năm, nhưng giống một số ngành công nghiệp khác, ngành thép đã bộc lộ nhiều điểm yếu mà để khắc phục phải mất thời gian dài. Ðó là đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch gây mất cân đối trầm trọng. Các sản phẩm thép xây dựng, thép ống thông thường được đầu tư quá mức, vượt xa nhu cầu, trong khi nhiều sản phẩm đặc chủng như thép tấm, cuộn cán nóng, thép chế tạo,... bị bỏ sót, mỗi năm phải nhập khẩu hơn năm triệu tấn, khiến nhập siêu của ngành thép khoảng sáu tỷ USD/năm. Ðầu tư cho ngành thép thiếu tính bền vững, quy mô công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện vận hành ổn định lâu dài. Nhiều "siêu dự án thép" FDI với mức đầu tư từ 5 đến 7 tỷ USD được cấp phép mà không cân nhắc kỹ, có nhiều dấu hỏi nghi vấn về tính hiện thực. Tình hình cung vượt cầu trong ngành thép những tháng gần đây đã khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thép thành phẩm tồn kho tới gần 500 nghìn tấn, chi phí trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng tới hàng trăm tỷ đồng, trong khi giá bán ở dưới mức giá thành.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường đánh giá, khủng hoảng hiện nay khiến các doanh nghiệp thép lâm vào tình trạng khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để sàng lọc, buộc ngành thép phải cấu trúc lại. Những doanh nghiệp không đủ khả năng phải bị loại ra khỏi ngành thép. Những nhà máy lạc hậu, quy mô nhỏ sẽ bị đào thải, hoặc các doanh nghiệp sẽ phải liên kết với nhau, tạo dựng thành những thương hiệu mạnh, chuyển hướng đầu tư sản xuất các chủng loại thép trong nước chưa sản xuất được. Ðể làm được điều này, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp thép vượt qua khó khăn. Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công thương, đến thời điểm này, có khoảng 100 dự án ngành thép đã được cấp phép, nên cần phải nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh. Các dự án thép nằm ngoài quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ đã ban hành, cần có biện pháp mạnh thu hồi giấy phép, quyết không "bổ sung vào quy hoạch thép" vốn đã quá thừa. Tôn trọng các quy định mà Bộ Công thương đã ban hành về quy mô công suất đầu tư và các điều kiện để dự án thép phát triển bền vững; khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm đang phải nhập khẩu để giảm bớt nhập siêu. Ðồng thời, giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư FDI, dứt khoát loại bỏ nếu đó chỉ là dạng dự án chiếm đất tìm cơ hội chuyển nhượng kiếm lời. Những doanh nghiệp thép không còn đủ sức cạnh tranh do công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại nhà máy cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất hiệu quả.
Vài năm nữa, khi chính sách bảo hộ chấm dứt đối với sản xuất thép, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt. Việc của ngành thép là phải tự cứu mình bằng cách tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công tác quản lý, chuyển hướng đầu tư bền vững, sản xuất sản phẩm có sự ổn định để phát huy năng lực của mình, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập.
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||