Ngành thép qua cơn bĩ cực
Nhiều yếu tố cho thấy ngành thép sắp kết thúc sóng gió, qua cơn bĩ cực và có triển vọng sáng trở lại trong quý IV năm nay. Một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng trưởng trong năm 2023.
Dự báo tiêu thụ thép tăng mạnh từ quý III
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 4,285 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10,4%.
Sản xuất và bán hàng đều giảm, ngành thép đối mặt với khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều yếu tố không thuận lợi như thị trường bất động sản trầm lắng, giá nguyên liệu nhập tăng cao trong khi giá bán thép thành phẩm tăng chậm kéo theo lợi nhuận của ngành mỏng hơn. Dự báo trước khó khăn và thách thức, ngành thép bước vào năm 2023 mang theo sự nỗ lực vượt lên.
Vừa qua, tại thị trường trong nước, một số doanh nghiệp đã điều chỉnh giá bán thép thành phẩm để bù vào đà tăng của giá nguyên liệu. Sau khi điều chỉnh, giá bán thép thành phẩm tăng 5-6% so với cuối năm 2022. Trong khi tại thị trường toàn cầu, giá bán thép thành phẩm đã tăng khoảng 10-11% so với cuối năm 2022.
Giới phân tích nhận định khó khăn của ngành thép sẽ sớm qua đi, tiêu thụ thép trong quý III và quý IV năm nay sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nhờ giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Về đầu tư công, các dự án trọng điểm được quan tâm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các cảng logistics, kéo thu nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng dự phóng tình hình thị trường bất động sản năm 2023 vẫn đối mặt nhiều khó khăn sẽ kéo theo nhu cầu thép khó có sự tăng trưởng, tuy nhiên, kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công sẽ bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra những yếu tố để cho thấy khó khăn của ngành thép đã qua. Thứ nhất là nguồn cung thép của thế giới đã tăng trở lại từ đầu năm cho thấy doanh nghiệp trên thế giới có dự báo nhu cầu tăng cao và tái khởi động các nhà máy. Thứ hai, biên lợi nhuận của một số nhà máy thép tại Trung Quốc đang có xu hướng tạo đáy. Thứ ba, lượng hàng tồn kho của Việt Nam đã giảm mạnh.
Với triển vọng ngành phục hồi tốt hơn, một số doanh nghiệp ngành thép đã lên kế hoạch tăng trưởng trong năm 2023.
TLH đặt mục tiêu lãi gấp 11,5 lần
Doanh nghiệp cũng có triển vọng lạc quan hơn và bức tranh kinh doanh năm 2023. Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng (giảm nhẹ 6%), nhưng lợi nhuận kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng, cao gấp 11,5 lần so với thực hiện của năm ngoái.
Đáng chú ý, lạc quan về triển vọng năm 2023, doanh nghiệp thép này muốn tăng gấp đôi vốn điều lệ qua việc chào bán 112,32 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng số tiền huy động dự kiến là 1.123,2 tỷ đồng, Thép Tiến Lên sẽ dùng 597 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh; 500 tỷ đồng đầu tư dự án Khu dân cư thương mại An Phước tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với quy mô 60.000 m2; và 26 tỷ đồng dùng đầu tư dự án xây dựng chi nhánh Đà Nẵng đặt tại Quốc lộ 1A, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Ngoài ra, Thép Tiến Lên còn dự kiến góp thêm 86 tỷ đồng để tăng vốn từ 214,4 tỷ đồng lên 300,4 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV thép Phúc Tiến để bổ sung vốn kinh doanh.
Năm 2023, TLH dự kiến phát triển mở rộng mạng lưới phân phối hàng tại miền Trung, Tây Nguyên, chọn Đà Nẵng lập công ty, kho hàng phân phối; thúc đẩy di dời nhà máy thép Bắc Nam với cổ phần chi phối của Thép Tiến Lên để tập trung vào sản xuất kinh doanh lĩnh vực hợp lý khác; đầu tư thêm vốn để hiện đại hóa nhà máy thép Bắc Nam nhằm tăng thêm số lượng và chất lượng sản phẩm.
HPG đặt mục tiêu doanh thu tăng 5%
Doanh nghiệp lớn trong ngành là Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 30/3 tới đây. Mục tiêu năm 2023, HPG kỳ vọng doanh thu đạt 150.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với năm ngoái và lãi sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng (giảm 5%).
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhận định, năm 2023 dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam chưa lạc quan hơn, tuy nhiên Hòa Phát sẽ luôn thận trọng, tự tin và vững bước tiến lên, phát huy tốt những lợi thế của mình.
Trước đó, Chủ tịch HPG cho hay, 95% doanh thu lợi nhuận của Hòa Phát đến từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép. Chính vì thế, doanh thu năm 2022 của Tập đoàn chỉ đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021; lợi nhuận đạt 8.444 tỷ đồng, hoàn thành 34% kế hoạch.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản và điện máy gia dụng của Hòa Phát đạt mục tiêu đề ra, nhóm ngành điện lạnh đạt 200% kế hoạch, nhưng doanh thu của toàn Tập đoàn sụt giảm chủ yếu do ngành thép giảm 76% lợi nhuận và nông nghiệp giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||