Tiêu thụ thép thành phẩm giảm mạnh trong tháng 1

Doanh-nghiep-viet-06301427.jpg

Trong tháng 1, lượng bán hàng thép thành phẩm các loại ở thị trường nội địa giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở mảng xuất khẩu, lượng bán hàng cũng giảm sút 21,2% xuống 511 nghìn tấn.



Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lượng bán hàng thép thành phẩm nội địa trong tháng 1 giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái xuống khoảng 1,8 triệu tấn. Trong đó, bán hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu giảm mạnh nhất 42% xuống gần 251 nghìn tấn. Mặt hàng thép cuộn cán nguội cũng ghi nhận mức giảm tương đương xuống hơn 107 nghìn tấn. 


Bán hàng thép xây dựng giảm 20% xuống 844 nghìn tấn. Riêng mặt hàng ống thép gần như không thay đổi, chỉ giảm khoảng 1% ở mức 199,5 nghìn tấn.


 


Tương tự, ở mảng xuất khẩu, lượng bán hàng cũng giảm sút 21,2% xuống 511 nghìn tấn. Tuy nhiên, đã có sự phân hoá trong xuất khẩu ở từng mặt hàng thép thành phẩm. 


Theo đó, lượng xuất khẩu ống thép và cuộn cán nóng tăng mạnh, cao gấp 3 và 5 lần so với cùng kỳ lên lần lượt 160 nghìn tấn và 104 nghìn tấn.


Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thép xây dựng giảm mạnh 36,4% xuống 147,5 nghìn tấn. Mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu ghi nhận lượng xuất khẩu giảm sâu nhất tới 72,4% xuống còn hơn 65 nghìn tấn. 


 


Trong thông báo mới đây, CTCP Tập đoàn Hoà Phát cho biết cả hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều nằm trong tháng 1 khiến cho nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều ảm đạm. Sản lượng sản xuất và bán hàng của Hòa Phát đều giảm đáng kể so với cùng kỳ 2022 khi chỉ có Tết Dương lịch diễn ra vào tháng 1, còn Tết Nguyên đán đến vào tháng 2.


Trong tháng 1, công ty đã sản xuất 392.000 tấn thép thô trong tháng đầu năm 2023, tương đương 56% so với cùng kỳ 2022. Lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng đạt 402.000 tấn, giảm 36%.


Mặc dù vậy, Hoà Phát cho rằng ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Tập đoàn đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động. 


Giá thép tăng trở lại ngay từ đầu năm


Theo VSA giá nguyên vật liệu tăng khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù giá thành sản xuất và giảm lỗ. 

Ngày 6/2, giá thép xây dựng trong nước tăng 300.000 - 400.000 đồng/tấn so với giá liền kề trước đó. Đây là đợt tăng giá thép cây và cuộn lần thứ 4 kể từ đầu năm 2023 tới nay với mức tăng giao động 850.000 - 1.100.000 đồng/tấn, tuỳ thương hiệu và chủng loại sản phẩm.




Giá bình quân thép xây dựng nội địa hiện nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8% . Do giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doannh của các công ty thép xây dựng vãn thấp, khó khăn từ mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra.


Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng mức tăng giá thành phẩm như vậy là thấp hơn so với mức tăng 20% của giá Trung Quốc, hay mức tăng trung bình 25% của giá quặng sắt và than cốc do nhu cầu trong nước yếu.


Mặt khác, giá thép cuộn cán nóng, thường có mối tương quan cao hơn với giá trong khu vực, đã tăng hơn 20% trong hai tháng qua. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn yếu, với khối lượng giảm trong 3 tháng liên tiếp vừa qua (giảm trung bình khoảng 30% mỗi tháng) do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm hạ nguồn (đặc biệt là tôn mạ).


Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ là động lực hỗ trợ giá thép thời gian tới. Theo SSI Research nhu cầu của Trung Quốc cải thiện, được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại, giúp giá thép khu vực phục hồi tích cực trong ba tháng qua và trở nên ổn định hơn trong năm 2023 sau năm 2022 thực sự khó khăn. 


Tuy nhiên, SSI Research cho rằng giá thép khó quay trở lại xu hướng tăng do nhu cầu của Trung Quốc được kỳ vọng chỉ đạt mức phục hồi khiêm tốn với việc số lượng bán nhà giảm mạnh trong năm 2022, và việc mở cửa trở lại cũng sẽ làm tăng nguồn cung.

Tin Thép Việt Nam