Doanh nghiệp thép tìm “cửa sáng” từ xuất khẩu

Doanh-nghiep-viet-063018534.jpg

Sự suy giảm từ nhu cầu tại nhiều thị trường trên thế giới đã khiến bức tranh kinh doanh ngành thép có phần “ảm đạm”, trong đó hoạt động xuất khẩu cũng chịu nhiều ảnh hưởng.



Đã nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn thép


Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm 8 tháng đầu năm 2022 đạt 20,808 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu (XK) đạt 4,562 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng tháng 8, Việt Nam đã nhập siêu 272.000 tấn sắt thép các loại, nâng tổng số nhập siêu trong 8 tháng lên hơn 2,2 triệu tấn, trái ngược với cùng kỳ năm 2021 xuất siêu gần 330.000 tấn.


Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hóa nói chung và sắt thép nói riêng giảm, đặt ngành thép Việt Nam vào nhiều khó khăn và thách thức trong giai đoạn này. Đặc biệt, hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí hoặc công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được.



Tuy nhiên, về XK, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm vì các nhà máy thép tại châu Âu (EU) đã phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao. Đặc biệt, ngành thép Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng giữa Nga và EU. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, lệnh cấm nhập khẩu dầu


Nga của EU áp dụng từ tháng 12 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện trong khu vực. Cộng thêm việc EU sẽ cần thời gian để tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế, vì thế, các nguồn cung thép rẻ hơn ở châu Á trở nên hấp dẫn hơn khi nhu cầu thép của EU phục hồi.


Ngoài ra, theo nhiều dự báo, giá thép đang có dấu hiệu phục hồi do nhu cầu tích trữ tăng lên và một số nhà máy thép tại Trung Quốc đang có dấu hiệu dần khôi phục lại hoạt động sản xuất sau một thời gian dài, từ đó giúp các doanh nghiệp thu về giá trị lợi nhuận cao hơn.


Tìm kiếm cơ hội


Thực tế các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng đang tập trung đẩy mạnh hoạt động XK sang thị trường EU, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực. Nếu như tại thời điểm tháng 6/2020, XK thép sang thị trường EU chỉ chiếm 3,4% tổng kim ngạch XK thép thì con số này sau 2 năm đã tăng lên 20,51%, tương ứng với tăng hơn 6 lần. Theo VSA, thị trường EU hiện chiếm gần 18% tổng sản lượng XK của các doanh nghiệp thép trong nước, chỉ sau thị trường tại khu vực các nước ASEAN và Mỹ.


Nhờ tận dụng các lợi thế này, tình hình XK của nhiều doanh nghiệp vẫn khả quan. Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát cho biết XK các loại thép dự ứng lực (PC Bar và PC Strand) đã đạt 22.000 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản lượng các loại thép dự ứng lực, rút dây của Công ty Chế tạo Kim loại Hòa Phát đạt hơn 92.000 tấn tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, XK đóng góp tới 40% với hơn 36.500 tấn. Cuối tháng 9/2022, Hòa Phát cho biết sẽ đi vào hoạt động dây chuyền PC Strand số 2 tại Nhà máy thép dự ứng lực (Khu kinh tế Dung Quất – Quảng Ngãi) nhằm tăng sản lượng lên gấp 2 lần 2021. Thị trường XK của thép Hoà Phát hiện đã mở rộng ra 25 quốc gia.


Còn tại Tập đoàn Hoa Sen, XK cũng đang được tích cực mở rộng, khi đã XK đến hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, sản lượng XK đã vượt mốc 100.000 tấn/tháng. Thép Nam Kim cũng đặt kỳ vọng tiếp tục duy trì hưởng lợi nhờ xu thế đẩy mạnh sản lượng thép nhập khẩu vào EU, trong bối cảnh sản lượng thép tháng 7 của EU đã giảm 6,7% so với cùng kỳ. Các thị trường XK chính của Nam Kim bao gồm châu Âu (chiếm 50% sản lượng XK), Mỹ (20% sản lượng xuất khẩu) và các nước khu vực ASEAN khác…


Mặc dù vậy, tình hình XK của các doanh nghiệp thép vẫn còn nhiều khó khăn. Theo VDSC, chính sách thương mại của các thị trường lớn đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Việt Nam. Trong đó, thị trường EU đang gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch.


Bên cạnh đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, tình hình kinh doanh ngành thép còn gặp khó về giá nguyên nhiên liệu tăng, cước phí vận chuyển tăng đến 30%, ngân hàng siết chính sách cho vay… Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường… hoặc giảm hoạt động để tránh thua lỗ.


Ngoài ra, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp thép nên tận dụng cơ hội từ các động thái thúc đẩy đầu tư công tại thị trường trong nước.

Tin Thép Việt Nam