Việt Nam áp thuế bán phá giá tạm thời đến 34,27% đối với thép Trung Quốc, Hàn Quốc
Theo quyết định mới nhất của Bộ Công Thương, thuế bán phá giá đối với một số sản phẩm thép Trung Quốc và Hàn Quốc lên tới gần 35%.
Một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc bán phá giá vào Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn, được mạ hoặc không mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc với mức thuế suất cao nhất lên đến gần 35%.
Trong đó, sản phẩm xuất xứ từ 20 công ty của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 3,45%-34,27%; Sản phẩm xuất xứ từ 3 công ty của Hàn Quốc bị áp thuế 4,48%-19,25%. Trước khi bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời, các sản phẩm này chỉ chịu mức thuế ưu đãi 5%-10%.
Bộ Công Thương cho biết, biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thời hạn áp dụng 4 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực và có thể được gia hạn hoặc bổ sung danh sách. Sau khi biện pháp chống bán phá giá tạm thời này được áp dụng, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các bước triển khai điều tra và công bố kết luận điều tra cuối cùng dự kiến vào cuối năm 2019.
Cũng theo cơ quan này, thuế chống bán phá giá có thể có hiệu lực trong khoảng thời gian 90 ngày trước khi có quyết định tạm thời, nếu xác định được hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá; khối lượng và số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời hoặc hàng nhập khẩu gây thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.
Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10-2018 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8-2018.
Trải qua gần 8 tháng điều tra sơ bộ theo đúng quy định, Bộ Công Thương thấy rằng, mặc dù biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đang được áp dụng nhưng lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch có dấu hiệu bán phá giá với biên độ khá cao, từ 3,45% đến 34,27%, tiếp tục gây ra đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất thép phủ màu trong nước.
Từ 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, thép trong nước tồn kho rất nhiều. Doanh nghiệp thép trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||