Thép tăng giá vẫn chưa hết lo
Tiêu thụ thép tăng nhưng thị trường chưa ổn định. (ảnh minh họa)
Tăng 400.000 tấn/tháng
Sau 2 tháng xuống đáy sản lượng tiêu thụ lần lượt là 298.000 tấn trong tháng 6 và 359.000 tấn trong tháng 7, tháng 8, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam đã tiêu thụ được hơn 483.000 tấn. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Lượng thép tiêu thụ tháng 8 đã cao hơn 46.000 tấn so với lượng sản xuất trong tháng. Tuy nhiên, lượng tồn kho vẫn cao, ở mức hơn 375.000 tấn”. Bình thường, tồn kho thép xây dựng ở mức 200.000-250.000 tấn/tháng. Do đó, mức tồn kho hiện tại cao gần gấp đôi bình thường.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thêm, tồn kho thép trong tháng 8 đã giảm so với các tháng trước nhưng đáng lo ngại là tình trạng tồn kho cao đã diễn ra trong nhiều tháng. Tồn kho cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng cao khiến doanh nghiệp phải trả thêm lãi vay ít nhất 200.000 đồng/tấn, nên càng thêm khó khăn.
Chủ một đại lý thép trên phố Minh Khai cho hay, vào thời điểm này mọi năm, đại lý phải thuê rất nhiều chủ phương tiện vận chuyển thép cho khách hàng. Năm nay hàng bán chậm, số “chân” chạy hàng chỉ còn 5 người. “Tháng 8 vừa rồi hàng bán cũng khá hơn, nhưng vẫn thấp so với mọi năm”- chủ đại lý này nói. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, tính trung bình từ đầu năm đến nay, tiêu thụ thép vẫn đạt hơn 400.000 tấn/tháng. Mức tiêu thụ này tương đương với trung bình các năm trước.
Nhưng chưa bền vững
Ông Nguyễn Tiến Nghi đưa ra dự báo, tháng 9 này, tiêu thụ thép có thể tiếp tục chững lại do mưa nhiều, nhiều công trình cần hoàn thiện đã mua thép trong tháng 8. Những công trình mới khởi công chưa nhiều. “Hy vọng thị trường thép sẽ khởi sắc trong quý IV năm nay bởi lúc đó bước vào mùa khô, mùa xây dựng lại chuẩn bị hết năm, nhiều dự án bị đốc thúc hoàn thiện. Chính phủ cũng có thể “nới” một số chính sách tín dụng để thị trường thép dễ thở hơn” - ông Nghi dự báo.
Điều đáng lo ngại khác hiện nay là lượng thép tồn kho còn khá cao, cung vẫn lớn hơn cầu. Trong khi đó, lãi suất vay vốn còn cao và khó vay khiến nhiều doanh nghiệp thép phá sản hoặc hoạt động cầm chừng. Một chuyên gia ngành thép cho biết, thực tế, rất nhiều doanh nghiệp thép đang chỉ hoạt động 40-45% công suất thiết kế; Nhiều nhà máy dù chưa tuyên bố phá sản cũng đã dừng sản xuất. Nếu các doanh nghiệp này có bán hết lượng thép tồn kho cũng không đủ trả lương cho công nhân.
Với giá bán thép mới nhất, nhiều doanh nghiệp thép cũng chỉ đạt được mức hòa vốn mà chưa bù lỗ được cho trước đó. Chuyên gia này tính toán, giá thép thành phẩm trung bình là 15,7 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu nhưng tháng 6 và tháng 7, thép đã được bán dưới mức giá thành, phổ biến là 15,2 đến 15,5 triệu đồng/tấn, giá giao tại nhà máy và chưa tính thuế. Ngoài ra, giá phôi và thép phế cũng đã tăng lên 10-15 USD/tấn so với trước đó. Cụ thể, giá phôi thép đã tăng lên mức 680-690 USD/tấn; thép phế ở mức 480-490 USD/tấn.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Cường-Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng xảy ra tình trạng trên là do hậu quả của việc đầu tư tràn lan không theo quy hoạch của các dự án thép. Thêm vào đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ tác động khá lớn tới hoạt động sản xuất và tiêu thụ thép. Để khắc phục tình trạng này, ngành thép cần có sự chọn lọc, đào thải các doanh nghiệp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản xuất, ngoài quy hoạch để thị trường ổn định, bền vững hơn.
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||