Ngành thép: Nhức nhối chuyện dư thừa dự án

DTH141.jpg

Mặt tích cực, đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào ngành thép với quy mô ngày càng lớn, trong đó có các tập đoàn thép lớn trên thế giới như: POSCO, TATA, KOBE,... Song do sự tăng trưởng quá nhanh cộng với nhiều nguyên nhân đã làm cho quy hoạch thay đổi quá nhiều, nhiều dự án không tuân theo quy hoạch, cung đã vượt xa cầu, góp phần đẩy ngành thép vào cơn bĩ cực.

 

Theo số liệu thống kê, lượng thép thành phẩm sản xuất năm 2010 trong cả nước đạt trên 9,2 triệu tấn, tăng 33,04% so với năm 2009. Trong đó, sản phẩm thép cuộn cán nguội có mức tăng trưởng cao nhất đạt 172,58% do nhà máy thép cán nguội công suất 1,2 triệu tấn/năm của Công ty POSCO đã đạt đến 80,6% công suất. Lượng thép xây dựng, thép thanh nói chung có mức tăng trưởng khá cao 33,48%. Năm nay, tính đến ngày 19-4, tổng công suất cán thép xây dựng trong nước đã là 8,9 triệu tấn. Song mức tiêu thụ thép xây dựng chỉ dao động trên 6 triệu tấn/năm.

 

Đó là kết quả của hàng loạt các dự án thép được đưa vào sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2010, có 7 dự án thép được đưa vào sử dụng ở các tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương với tổng công suất 1.794 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhiều dự án tiếp tục được cấp giấy phép đầu tư tại: Khu công nghiệp Hoàng Mai - Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 ( tỉnh Đồng Nai)... với công suất lên đến 4,755 triệu tấn/năm.

 

Mặc dù quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam 2007 - 2015, tầm nhìn tới 2025 được Chính phủ phê duyệt ngày 4-9-2007. Song sau mấy năm thực hiện, do buông lỏng quản lý đã dẫn đến hiện tượng đầu tư tràn lan trong ngành thép, cung vượt xa cầu xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tính đến nay năng lực của các nhà máy thép của Việt Nam đạt 21.887.000 tấn bao gồm: luyện gang, cán thép xây dựng, sản xuất phôi thép, ống thép hàn, thép cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Đó là chưa kể đến hàng loạt các dự án nhà máy thép liên hợp và các dự án sản xuất thép khác đã được cấp phép đầu tư trong thời gian qua.

 

Trong khi đó, tổng lượng thép tiêu thụ biểu kiến (Sản xuất trong nước + Nhập khẩu – xuất khẩu) của Việt Nam trong năm 2009 là 11.726.000 tấn, năm 2010 là 11.187.900 tấn. Dự kiến, năm 2011 tăng khoảng 8 - 10% so với 2010.

 

Do cung đã vượt xa cầu nên hầu hết các nhà máy thép hiện nay chỉ chạy khoảng 60% công suất thiết kế. Trong tháng 5-2011, lượng thép tồn kho vào khoảng 430.000 tấn, trong khi bình quân hàng tháng con số này chỉ từ 200.000 - 300.000 tấn. Trong một báo cáo của Tổng công ty thép Việt Nam họp với Bộ Công thương gần đây cho biết: với lãi suất như hiện nay, nếu giữ 1 tấn thép/tháng thì phải thêm 300.000 đồng tiền trả lãi suất ngân hàng. Như vậy, với 430.000 tấn thép tồn kho trong tháng 5, doanh nghiệp thép sẽ phải trả lãi cho ngân hàng khoảng 129 tỷ đồng. Sự thiệt hại này là vô cùng to lớn. Vậy mà, các dự án thép vẫn tiếp tục được mọc lên bất chấp sự dư thừa nguồn cung so với nhu cầu của thị trường.

 

Hậu quả là các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Thêm vào đó, việc đóng băng của thị trường bất động sản góp phần đẩy sản phẩm thép vào chỗ ế ẩm.

 

Chưa hết, doanh nghiệp sản xuất thép trong nước còn phải đối mặt với sản phẩm thép nhập khẩu từ các nước trong khu vực và Trung Quốc khi Việt Nam thực hiện các cam kết của Hiệp định thương mại song phương và đa phương.

 

Đứng trước tình hình này, các doanh nghiệp ngành thép rất bức xúc và nhiều lần kiến nghị với Chính phủ chấn chỉnh lại việc cấp giấy phép đầu tư ở các địa phương và rà soát lại những công trình đã cấp phép nhưng chậm tiến độ nếu không có lý do chính đáng thì kiên quyết thu hồi giấy phép.

 

Hy vọng, tiếng kêu cứu của ngành thép không rơi vào quên lãng và việc quy hoạch của ngành này không giống như việc " đánh trống bỏ dùi”.

 

 

Lệ Kim

Tin Thép Việt Nam