Ngành thép, áp lực nối tiếp áp lực
Đây có thể coi là thêm một áp lực nữa đối với đầu ra vốn đã khá khó khăn của ngành thép. Bởi thời điểm hiện tại được coi là mùa thấp điểm xây dựng tại thị trường miền Nam, đồng thời thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án đầu tư công đang được xem xét cắt giảm, khiến tốc độ tiêu thụ nguyên liệu thép giảm mạnh.
Trong tháng 5, CTCP Thép Pomina (POM) đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần thép xây dựng cả nước. Trong 3 tháng trước đó, vị trí này thuộc về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Tuy nhiên, điều này không mang nhiều ý nghĩa tích cực với POM nói riêng và các DN thép có thị trường chính ở phía Nam nói chung.
Sang tháng 5, Thép Hòa Phát đã xếp vị trí thứ 2 sau 3 tháng liền ở vị trí dẫn đầu về thị phần thép cả nước. Tổng sản lượng bán hàng của HPG là 54.504 tấn, sát nút sản lượng bán hàng của POM, xếp vị trí thứ 1 thị phần với 56.291 tấn.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina cho biết, vị trí số 1 thị phần đối với Công ty không có nhiều ý nghĩa, vì công suất sản xuất của POM hiện nay cao hơn HPG nên chênh một vài nghìn tấn trong sản lượng tiêu thụ không nói lên điều gì.
Sự ganh đua về thứ hạng giữa 2 DN đại gia trong ngành thép cũng không nói lên sự cạnh tranh trực tiếp giữa hai DN này, vì trong khi POM bán phần lớn sản phẩm ở thị trường miền Nam thì HPG tiêu thụ chủ yếu ở miền Bắc.
Cụ thể, tháng 5, trong tổng sản lượng hàng bán, POM bán 35.800 tấn ở miền Nam và 8.900 tấn ở miền Bắc, còn HPG bán 46.067 tấn ở thị trường miền Bắc và 4.454 tấn ở miền Nam.
Tiêu thụ thép ở thị trường miền Bắc trong các tháng đầu năm 2011 tốt hơn rất nhiều so với thị trường miền Nam. Các DN có sản lượng bán hàng lớn ở miền Bắc nhiều là Việt Ý với mức tiêu thụ tại phía Bắc là 18.862 tấn trên tổng lượng bán hàng 20.292 tấn, Tisco là 49.900 tấn/52.216 tấn.
Ông Thái cho biết, nếu cách đây vài năm, tiêu thụ thép ở miền Nam luôn cao hơn phía Bắc, nhưng sau đó sản lượng tiêu thụ ở hai miền cân bằng dần và xu hướng từ năm 2010 khá rõ rệt là tiêu thụ thép xây dựng ở miền Bắc cao hơn.
Lý do là thị trường bất động sản và xây dựng các công trình ở miền Bắc vẫn rất sôi động, còn miền Nam đóng băng, các dự án giãn tiến độ.
"Nếu tình hình kinh tế không thay đổi thì không chỉ ngành thép khó khăn mà một số ngành sản xuất khác cũng rất khó khăn", ông Thái nói.
Ngay như POM, hiện nay công suất sản xuất là 1,1 triệu tấn/năm, cao hơn công suất hiện tại của HPG, nhưng mới chỉ đạt 60% công suất. Cuối năm 2012, công suất của POM sẽ tăng lên 1,6 triệu tấn/năm khi nhà máy mới đi vào hoạt động.
Nếu tình hình thị trường bất động sản và kinh tế nói chung không khởi sắc thì POM và nhiều DN thép khác sẽ dư thừa công suất.
Các DN thép cũng tìm hướng xuất khẩu thép sang các nước như Lào, Campuchia, nhưng phần vì chi phí vận chuyển quá cao và một phần vì các chi phí đầu vào của Việt Nam như lãi suất vay vốn cũng rất cao, nên giá thành sản phẩm không dễ cạnh tranh. Nhất là ngành thép sử dụng vốn tương đối lớn.
Trong khi đó, sản phẩm thép của Trung Quốc đang được hỗ trợ bởi chế độ duy trì tỷ giá thấp. Mới đây, để hỗ trợ sản phẩm thép trong nước cạnh tranh với hàng nhập ngoại, Bộ Tài chính đã đánh thuế nhập khẩu thép được khai là hợp kim (có chứa nguyên tố Bo) ngoại nhập. Tuy nhiên, thực tế thép Trung Quốc đang tìm đường khác để vào Việt Nam, đó là trung chuyển qua Malaysia để được hưởng thuế ưu đãi áp dụng cho khu vực ASEAN. Như vậy, cuộc cạnh tranh giữa thép nội và thép ngoại sẽ còn tiếp diễn gay gắt.
Trong khi đó, ở thị trường nội địa, quý II này là quý thấp điểm của tiêu thụ thép xây dựng và thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Ngay cả tại miền Bắc, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng hơn trước sẽ tác động tiêu cực đến tình hình tiêu thụ thép xây dựng.
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||