Ngành thép: Ăn xổi và yếu?
Giá thép vẫn đều đặn tăng trong khi ngành thép liên tục đòi bảo hộ.
Không như những gì mà một số quan chức của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) lý giải và trấn an dư luận, trong vài tháng trở lại đây, giá thép tăng liên tục.
Sau khi tăng tới 1,3 triệu đồng/tấn vào tháng 7/2010, cuối tháng 8, đầu tháng 9 giá thép lại tiếp tục tăng giá thêm từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn. Hiện nay, giá bán thép phổ biến của các nhà máy ở mức trên dưới 14 triệu đồng/tấn.
Tuy giá thép cứ tăng đều đặn nhưng VSA vẫn kêu khổ và thỉnh thoảng lại đòi tăng thuế nhập khẩu để “cứu ngành thép trong nước trước làn sóng nhập khẩu thép ồ ạt vào Việt Nam”. Hiệp hội này cũng không ngần ngại lên tiếng chỉ trích các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu quá nhiều thép để bán giá rẻ, làm rối loạn thị trường.
Mỗi khi tăng giá thép, VSA lại đưa ra những lý do như giá thế giới tăng, tỷ giá biến động, đại lý đầu cơ găm hàng… Tuy nhiên, thực tế cái gốc của vấn đề là các doanh nghiệp thép phải ăn đong, lệ thuộc nặng nề vào giá phôi thép thế giới lại không được nhắc đến. Doanh nghiệp thép Việt Nam chỉ quan tâm đầu tư phần ngọn, đó là mua phôi về cán thép thành phẩm và bán; không đầu tư vào chế biến phôi từ quặng.
Người ta cũng nghi ngờ lời kêu khổ của VSA bởi cán thép vẫn là ngành dễ ăn; chả thế mà những dự án thép vẫn liên tiếp mọc lên, phá vỡ quy hoạch, bất chấp những lời cảnh báo về nguy cơ dư thừa trong tương lai gần.
Theo những con số được đưa ra, đã có lúc trong nước dư thừa hàng triệu tấn thép so với nhu cầu sử dụng, trong khi phôi và thép vẫn đều đặn được nhập về. Sự chính xác của những con số này là một dấu hỏi, bởi sau đó số lượng thép dư thừa cũng chẳng còn là bao.
Việc một mặt kêu gọi Nhà nước tiếp tục bảo hộ, một mặt tiếp tục tăng giá thép chứng tỏ rằng ngành thép đã không quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng cũng như tự chứng minh rằng ngành thép trong nước quá lạc hậu, trình độ quản lý, kỹ thuật yếu kém khiến giá thành cao.
PV
Bạn bình luận gì về lập luận của ngành thép mỗi khi cần tăng giá?
Bạn có cho rằng cùng với việc được bảo hộ thì ngành thép cũng đánh mất sức cạnh tranh?
Mời bạn gửi phản hồi cho tòa soạn vào ô thảo luận cuối bài viết (vui lòng điền đầy đủ thông tin và gõ nội dung bằng tiếng Việt có dấu). Trân trọng cảm ơn!
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||