Giá thép thấp nhất 1 tháng, quặng sắt chạm đáy 5 tuần
Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế nhập khẩu các sản phẩm thép, chủ yếu là thép cán nguội và chống ăn mòn, từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đã góp phần tác động lên giá thép.
Giá thép Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tháng vào ngày 22/05/2018, phiên giảm thứ ba liên tiếp vì lo ngại nhu cầu suy yếu trong khi nguồn cung mạnh mẽ.
Giá thép cây kỳ hạn tại Thượng Hải giảm 1,1% xuống mức 3.573 NDT (560,38 USD)/tấn. Đầu phiên giao dịch, giá rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 27/4 là mức 3.556 NDT. Giá thép giao ngay giảm 0,1% xuống 4.311,86 NDT/tấn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), sản lượng thép thô hàng ngày của các công ty thép lớn trong 10 ngày đầu tháng 5 đạt 1,94 triệu tấn, cao hơn mức đỉnh trước đó là 1,91 triệu tấn đạt được vào cuối tháng 4/2018. Con số này tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép tồn kho tại các nhà máy thép cũng tăng trong thời gian này, tăng 1,17 triệu tấn lên 13,61 triệu tấn do nhu cầu tiêu thụ yếu.
"Tăng trưởng tiêu thụ thép ở Trung Quốc dự kiến chậm lại trong các quý tới do nhu cầu từ các ngành xây dựng, cơ sở hạ tầng và ô tô chậm lại", BMI Research dự kiến. Nhu cầu tiêu thụ thép đang giảm dần có thể sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ nguyên liệu thô, các nhà phân tích cho biết.
Trong khi đó giá quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã chạm mức 453 NDT/tấn, mức thấp nhất trong 5 tuần, trước khi đóng cửa giảm 2,6% xuống 456 NDT/tấn.
Ngày 21/05, Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế nhập khẩu các sản phẩm thép, chủ yếu là thép cán nguội và chống ăn mòn, từ Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Thông tin này ngay lập tức đã tác động lên thị trường. Giá thép cuộn cán nóng giao dịch nhiều nhất giảm 0,7% xuống còn 3.762 NDT/tấn.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng (hot-rolled steel) do Trung Quốc sản xuất.
Thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%.
Những mức thuế này sẽ được cộng thêm với thuế quan 25% đối với hầu hết các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ theo quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump dựa trên cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Bộ Thương mại Mỹ đã nhất trí với cáo buộc của các nhà sản xuất thép Mỹ rằng, những loại thép bị áp thuế nêu trên được gia công ở Việt Nam để chống gỉ hoặc được cuộn cán nguội để sử dụng cho ô tô và các thiết bị khác, nhưng 90% giá trị sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Vụ kiện này bắt nguồn từ đơn kiện của các nhà sản xuất thép Mỹ bao gồm Arcelor Mittal, Nucor, AK Steel và United States Steel. Đơn kiện cáo buộc các nhà sản xuất thép Trung Quốc chuyển thép sang Việt Nam ngay sau khi bị Mỹ áp thuế.
Tin Thép Việt Nam
| |||
Tin Thép Thế Giới
| |||