Thị trường sắt thép “nín thở” chờ đợi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc

Doanh-nghiep-viet-063017261.jpg

Giá quặng sắt - nguyên liệu chính trong sản xuất thép đang “nhảy múa” giữa tâm lý kỳ vọng biện pháp kích thích kinh tế và dữ liệu thực tế kém lạc quan từ Trung Quốc.



Giá quặng sắt tăng cao sau thông tin hạ lãi suất của Trung Quốc


Trung Quốc mua hơn 70% lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu và sản xuất hơn 1 nửa lượng thép thế giới. Điều này khiến các chỉ số kinh tế của Trung Quốc trở thành chìa khóa cho triển vọng của loại nguyên liệu thô dùng cho sản xuất thép.


Thị trường sắt thép nín thở chờ đợi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc

Giá quặng sắt đã phục hồi khá mạnh trong thời gian gần đây


Theo Reuters, giá quặng sắt đang nằm trong vòng vây của kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc và một thực tế là sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không như mong đợi.


Hiện tại, giá quặng sắt giao ngay biến động trong những tuần gần đây, do hy vọng Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp kích thích nhưng cũng lo ngại các chỉ số kinh tế suy yếu có thể còn kéo dài.


Cụ thể, giá quặng sắt giao dịch tại Singapore ở mức 113,42 USD/tấn trong ngày 14/6, tăng 10,8% so với mức thấp nhất kể từ đầu năm là 102,33 USD/tấn vào ngày 5/5.


Thị trường sắt thép nín thở chờ đợi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc

Diễn biến giá quặng sắt trong năm 2023


Động lực cho màn tăng giá này là thông tin ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất cho vay ngắn hạn lần đầu tiên sau 10 tháng. Cùng với một số động thái cắt giảm lãi suất cho vay khác, nhiều người đã tỏ ra lạc quan rằng Bắc Kinh đang hành động để thúc đẩy lĩnh vực bất động sản đang sa sút - lĩnh vực tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng thép của quốc gia này.


Ngoài ra, vẫn còn 1 số thông tin khác hỗ trợ cho giá quặng sắt ở thời điểm hiện tại. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc giảm hàng tồn kho tại các cảng Trung Quốc.


Theo dữ liệu của SteelHome, trữ lượng tại các kho dự trữ cảng tại Trung Quốc đã giảm xuống 126,2 triệu tấn, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Cùng kỳ năm ngoái, tồn kho quặng sắt ở mức 128,3 triệu tấn, cao hơn 16% so với mức hiện tại. Mặc dù không phải mức giảm lớn, điều này phát đi tín hiệu các nhà máy thép sẽ duy trì lượng nhập khẩu cao.


Một chỉ báo khác khiến quặng sắt tăng giá là tốc độ sản xuất của các nhà máy thép tăng lên. Dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho thấy sản lượng từ các thành viên đã tăng lên 2,23 triệu tấn/ngày trong giai đoạn từ 1 đến 11/6, tăng 6,5% so với tháng trước đó.


CISA cũng ghi nhận lượng thép tồn kho đạt 15,8 triệu tấn trong khoảng thời gian từ 1-10/6, tăng 1,2% so với 10 ngày trước đó, nhưng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.


Thị trường đã quá kỳ vọng vào nhu cầu của Trung Quốc?


Ngược lại với những tín hiệu tích cực về nhu cầu thị trường, một loạt dữ liệu không mấy tích cực khác cho thấy sự phục hồi của Trung Quốc sau Covid là không như kỳ vọng. Theo đó, các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn ở mức yếu trong nửa đầu năm nay.


Thị trường sắt thép nín thở chờ đợi các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc

Sức ép lên ngành thép Việt ngày một lớn khi Trung Quốc hạ giá thép xuất khẩu



Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, sản lượng công nghiệp trong tháng 5/2023 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn so với mức tăng 5,6% của tháng 4 và thấp hơn so với mức dự đoán 3,6% của các nhà phân tích.


Tương tự, doanh số bán lẻ - vốn là điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2023, đã tăng 12,7% nhưng vẫn thấp hơn dự báo tăng trưởng 13,6% và giảm so với mức 18,4% của tháng 4 trước đó.


Với những dữ liệu này, các nhà đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung thêm các biện pháp kích thích kinh tế cũng như nhu cầu thép trong thời gian tới.


Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc vẫn bị “khóa” trong biên độ hẹp từ 90 đến 103 triệu tấn/tháng, không thay đổi từ tháng 7/2022. Trong khi đó, nhu cầu thép của quốc gia này giảm ngay cả khi cao điểm mùa cao điểm xây dựng bắt đầu (tháng 3).


Được biết, thị trường bất động sản và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chương trình kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng đã chậm lại, trong khi thị trường bất động sản cũng đang tăng trưởng chậm.


Trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu do thị trường bất động sản ảm đạm, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thép. Điều này dấy lên lo ngại giá thép toàn cầu chịu áp lực, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.

Tin Thép Việt Nam