Giá sắt thép thế giới hôm nay 18/6: Giá quặng sắt và thép đều tăng

Doanh-nghiep-viet-063018463.jpg

Giá nguyên liệu sản xuất thép tại Trung Quốc ngày 18/6/2021 tăng, được thúc đẩy bởi sản lượng thép thô hàng tháng đạt mức cao kỷ lục và nhu cầu tăng mạnh.

 

 

Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 1% lên 1.224 CNY (tương đương 190,31 USD)/tấn. Giá than luyện cốc tăng 2,3% lên 2.010 CNY/tấn và giá than cốc tăng 1,6% lên 2.754 CNY/tấn.

 

 

Cơ quan Dự trữ Lương thực Chiến lược Quốc gia Trung Quốc ngày 16/6 cho biết sẽ bắt đầu bán các kim loại công nghiệp chính trong kho dự trữ của chính phủ trong bối cảnh giá sản xuất tăng mạnh nhất trong 13 năm qua, gây lo ngại về lạm phát toàn cầu.

 

Là quốc gia nhập khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để kiềm chế đà tăng mạnh của giá kim loại toàn cầu trong 12 tháng qua. Trước đó, các biện pháp kích thích kinh tế cùng với việc các quốc gia lớn trên thế giới nối lại hoạt động kinh tế đã thúc đẩy làn sóng mua nguyên vật liệu ở Trung Quốc và nhiều khác.

 

Động thái này của Trung Quốc là nhằm vào thị trường đồng, nhôm và kẽm. Kim loại sẽ được bán theo lô và thông qua chương trình đấu giá công khai cho các nhà sản xuất và chế biến kim loại.

 

Trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giao dịch ngày 18/6 tăng 0,3% lên 5.101 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 5.371 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 0,7% xuống 16.160 CNY/tấn.

 

Ủy ban giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải kiểm soát rủi ro và hạn chế giao dịch với thị trường hàng hóa nước ngoài. Các công ty được yêu cầu phải báo cáo vị thế đối với hàng hóa cho cơ quan này để xem xét và đánh giá.

 

Sau các thông tin này, giá của hầu hết kim loại đều giảm trên Sở giao dịch Hàng hóa tương lai Thượng Hải. Giá quặng sắt trên Sở giao dịch Hàng hóa Singapore cũng giảm.

 

Trong khi đó, việc giám sát chặt chẽ các vị thế đối với hàng hóa nước ngoài là nhằm hạn chế làn sóng đầu cơ quá mức trong bối cảnh giá tăng và có thể mang lại rủi ro cho các doanh nghiệp nhà nước.

 

Trước đó, chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả các nhà máy thép, công ty thương mại và môi giới hàng hóa, giảm vị thế mua trên thị trường tương lai đối với các nguyên vật liệu thô có biến động mạnh như quặng sắt và than đá.

 

Trung Quốc được cho là hành động khá chậm so với diễn biến thị trường, bởi giá của một số kim loại, như đồng, bắt đầu giảm trong những tuần gần đây khi giới đầu tư không còn lo ngại về nguồn cung. Theo giới phân tích, biện pháp giải phóng kim loại trong kho dự trữ quốc gia của Bắc Kinh có hiệu quả hay không còn phụ thuộc lớn vào lượng hàng hóa mà họ định bán ra.

 

Tháng trước, Goldman Sachs cũng đưa ra nhận định rằng những nỗ lực kiểm soát đà tăng giá hàng hóa của chính phủ Trung Quốc có thể là vô ích vì họ đã mất khả năng làm chủ thị trường này.

Tin Thép Việt Nam